Skip to main content

Việt Nam không đơn độc!



Trong nhiều lý do viện dẫn để phản đối hôn nhân cùng giới, có lý do cho rằng số nước ủng hộ hôn nhân cùng giới mới là thiểu số và chưa có nước nào ở châu Á nên Việt Nam không nên thừa nhận. 


Ngay nước Mỹ tự xưng là dân chủ và đi đầu trong bảo vệ quyền con người còn chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới thì tại sao Việt Nam phải làm điều này. Có người còn cho rằng nên đưa hôn nhân cùng giới ra trưng cầu dân ý vì tin rằng đa số người dân Việt Nam sẽ phản đối hôn nhân cùng giới. Nghe có vẻ dân chủ nhưng có hai vấn đề làm kết quả không ổn. Thứ nhất do người dân chưa có kiến thức đầy đủ về đồng tính nếu không nói là còn hiểu sai nên khó ủng hộ hôn nhân cùng giới. Thứ hai, việc đưa quyền của một nhóm thiểu số ra cho nhóm đa số phán quyết không tránh khỏi bất công vì chênh lệch quyền lực. 




Ảnh: cộng đồng LGBT và người ủng hộ tham gia flashmob "yêu là yêu"


Điểm lại một số mốc lịch sử để hiểu rằng đồng tính đã từng bị coi là bệnh cho đến năm 1973 và năm 1991 khi Hội tâm lý học Hoa Kỳ và Tổ chức y tế thế giới lần lượt loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ người đồng tính khỏi những đối xử man rợ. Năm 1998 Đan Mạch là nước đầu tiên thừa nhận hình thức kết đôi có đăng ký cho hai người cùng giới, và năm 2000 thì Hà Lan là quốc gia đầu tiên thừa nhận hôn nhân cùng giới. 



Gần đây nhất, Hạ viện Pháp ngày 12 tháng 2 năm 2013 đã bỏ phiếu với kết quả 329 phiếu thuận và 229 phiếu chống thông qua việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tại Anh, nghị viện nước này cũng bỏ phiếu với kết quả 400 phiếu thuận và 175 phiếu chống mở đường cho phép hai người cùng giới kết hôn. Như vậy, Pháp và Anh là hai nước mới nhất đi những bước vững chắc thừa nhận quyền kết hôn cho người đồng tính cùng với 13 nước khác như Nam Phi, Canada, Achentina. Bên cạnh đó, có hàng chục nước đã thừa nhận quyền kết hợp dân sự giữa hai người cùng giới. 



Nếu tính trên số lượng thì số nước đã thừa nhận hôn nhân bình đẳng cho người đồng tính, hoặc hình thức sống chung có đăng ký là thiểu số. Tuy nhiên, nếu nhìn vào xu hướng thì rõ ràng ngày càng có nhiều nước thừa nhận quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thừa nhận kết hôn cùng giới đã tạo ra thay đổi tích cực trong cộng đồng đồng tính nói riêng và xã hội nói chung. Các nước đã thừa nhận sống chung hay kết hôn bình đẳng đều tự hào về điều này, và không có nước nào thay đổi muốn hủy hôn nhân cùng giới. 



Các cuộc điều tra xã hội của Mỹ cho thấy thay đổi chắc chắn trong quan điểm của dân chúng theo chiều hướng ủng hộ hôn nhân cùng giới. Ví dụ như theo điều tra Gallup thì năm 1996 chỉ có 27% ủng hộ hôn nhân cùng giới trong khi đó có 68% phản đối và 5% không có ý kiến gì. Đến năm 2006, có 42% ủng hộ, 56% phản đối và 2% không có ý kiến gì. Đến năm 2011 thì có 53% ủng hộ, 45% phản đối và 2% không có ý kiến gì. Song song với Gallup thì tất cả các cuộc điều tra xã hội có uy tín khác ở Mỹ vào năm 2012 đều cho thấy hơn 50% người Mỹ ủng hộ hôn nhân cùng giới. 



Cùng với thay đổi về quan điểm xã hội, việc thừa nhân hôn nhân cùng giới đã được hợp pháp hóa ngày càng nhiều ở Mỹ và hiện có 9 bang thừa nhận hôn nhân cùng giới sau khi ba bang Washington, Maine và Maryland bỏ phiểu thông qua hôn nhân cùng giới vào năm 2012. Đây là ba bang chọn việc bỏ phiếu phổ thông để thông qua, thay vì dùng con đường tòa án hay cơ quan lập pháp như một số bang khác. Điều này càng khẳng định sự thay đổi vững chắc của nước Mỹ trên con đường thừa nhận hôn nhân cùng giới. 



Việt Nam là một trong bốn nước và vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á đang xem xét việc cho người đồng tính kết hôn bình đẳng. Bộ tư pháp có công văn tham vấn các cơ quan liên quan vào tháng 5 năm 2012 xem nội dung kết hôn cùng giới có nên đưa vào xem xét trong quá trình sửa luật hôn nhân gia đình 2000 hay không. Sau khi tham vấn, hôn nhân cùng giới đã được cho là một nội dung quan trọng cần phải xem xét vì thực tế của cuộc sống và vì quyền con người. Rõ ràng việc xem xét nội dung hôn nhân cùng giới là một bước tiến của Việt Nam vì nó thể hiện sự nghiêm túc của chính phủ đối với việc bảo vệ quyền bình đẳng của người đồng tính. Việc Bộ tư pháp đưa chủ đề hôn nhân cùng giới ra thảo luận chính thức đã giúp cho xã hội có cơ hội tìm hiểu và thảo luận về quyền của người đồng tính nhiều hơn. Đây chính là cơ sở đặt nền móng cho thay đổi thái độ xã hội từ kỳ thị qua ủng hộ. 



Bên cạnh Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan và Nepal là hai nước và vùng lãnh thổ ở châu Á đang có những động thái chính thức trong việc thừa nhận quyền kết hôn của các cặp đôi đồng tính. Xã hội Đài Loan tương đối cởi mở với quan hệ cùng giới và Diễu hành của người đồng tính được tổ chức hàng năm với hàng chục nghìn người tham dự, thu hút đông đảo khách du lịch đến Đài Loan. Tháng 1 năm 2013, Tòa án tối cao Đài Loan đã xem xét việc cho kết hôn giữa những người cùng giới tính. Thứ trưởng Bộ tư pháp Đài Loan gợi ý cần phải nghiên cứu về thái độ xã hội đối với hôn nhân cùng giới vào năm tới để làm cơ sở quyết định. Trong khi đó, một cuộc điều tra của báo United Daily News vào tháng 9 năm 2012 cho thấy 55% người Đài Loan ủng hộ hôn nhân cùng giới và chỉ có 37% phản đối. Dường như Đài Loan đang trên đường trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên ở Châu Á thừa nhận hôn nhân cho người đồng tính. 



Ở Thái Lan một nhóm làm việc gồm các chuyên gia lập pháp và các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính đã soạn thảo một dự luật nhằm cho phép các cặp đôi cùng giới có thể đăng ký dân sự. Dự luật này sẽ được đệ trình cho chính phủ sau khi hội tụ đủ điều kiện trước khi mang ra Quốc hội thảo luận. Đây cũng là lần đầu tiên Thái Lan xem xét quá trình xây dựng một dự luật cho người đồng tính. Còn ở Nepal, năm 2008 Tòa án tối cao đã ra phán quyết bảo đảm quyền bình đẳng cho người đồng tính và yêu cầu chính phủ soạn thảo luật thừa nhận hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên, do những chuyển đổi chính phủ ở Nepal dẫn đến việc trì hoãn soạn thảo và thông qua dự luật này. Chính vì vậy, Nepal đã chưa là quốc gia châu Á đầu tiên thừa nhận hôn nhân cùng giới. 



Bên cạnh quyền kết hôn, châu Á cũng có những chuyển động theo hướng tích cực khác trong nỗ lực bảo vệ quyền của người đồng tính song tính và chuyển giới. Việc Ấn Độ chính thức loại bỏ luật tội phạm hóa quan hệ đồng tính năm 2009 là một bước đi quan trọng mở đường cho quyền bình đẳng của người LGBT. Tuy chưa bỏ luật như Ấn Độ, nhưng chính phủ Singapore đã cam kết không thi hành điều luật tội phạm hóa quan hệ đồng tính. Những năm gần đây cộng đồng LGBT ở Singapore đã sử dụng tòa án như là nơi đấu tranh cho quyền bình đẳng của mình, và biến quan hệ đồng tính trở thành bình thường trong xã hội. 



Như vậy, việc Việt Nam xem xét vấn đề hôn nhân cùng giới là phù hợp với xu hướng trên thế giới và Việt Nam không phải là nước duy nhất ở Châu Á làm việc này. Việc số nước đã thừa nhận hôn nhân cùng giới đang là thiểu số nhưng họ đã ở bên phải của việc bảo vệ quyền con người. Như nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã nói, việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới là một cuộc “giải phóng con người” quan trọng nhất kể từ sau khi các nô lệ da đen được tự do. Có thể trong một tương lai không xa chúng ta sẽ tự hỏi sao đã có thời người đồng tính song tính và chuyển giới phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử, giống như bây giờ ta hỏi sao người người da đen phải chịu làm nô lệ trong quá khứ. 

Mạnh hải
Theo Dienngon.vn

Comments

Popular posts from this blog

Tiếng chàng hiu

Chiều hôm nay một tiếng chàng hiu buồn Rớt xuống lòng ta vũng bùn nước đọng Vài gợn nhỏ lăn tăn dấu sóng Lim dim khép lại hững hờ Tiếng chàng hiu buồn như giữa cơn mơ Có đó chợt liền không đó Cả tiếng dế lẻ loi trong vệ cỏ Cũng mơ hồ ngắt quãng chờ mong Bùn trăm năm đã đóng cặn đáy lòng Ta nói ta cười mà ta không biết Đời giỏi thật những say mê hơn thiệt Ta một mình, một nửa... nơi nao?

Trai đẹp Á - Âu

[ [

Anh đi

Sao anh lại đi hôm nay Chưa Đông mà đã cắt lòng, lạ chưa? Anh không đến tự ngày xưa Anh đi chọn buổi cơn mưa cận kề Trời buồn chớp giật lê thê Thu còn mê mãi sao về hỡi Đông… Anh về anh có buồn không Khi không có chút nắng hồng tiễn chân Khoảng xa, cứ cách xa dần Mấy sông, mấy núi, mấy đèo dần xa… Em xin làm hạt mưa sa Thấm trên vai áo theo anh về cùng!